Hiện nay ở Việt Nam, các ứng dụng công nghệ đặt xe ngày càng nhiều như Grab, Go – Viet, Bee. Các ứng dụng này đã đem lại rất nhiều thuận lợi cho người dân như nhanh chóng, tiện lợi, không bị chặt chém giá tiền như xe ôm truyền thống. Bên cạnh những thuận lợi đó thì cũng tồn tại một số hạn chế nhất định như giao nhầm hàng, chuyển đồ gây thiệt hại,… Vậy khi tài xế grab chuyển đồ gây thiệt hại cho khách hàng thì ai phải bồi thường trong trường hợp này. Bài viết dưới đây của Luật sư X sẽ giải đáp thắc mắc của các bạn. |
Căn cứ:
- Bộ luật dân sự năm 2015
Nội dung tư vấn:
1. Grab là gì?
Grab (trước đây gọi là GrabTaxi) là một công ty công nghệ có trụ sở tại Singapore cung cấp các dịch vụ vận chuyển và đi lại bằng xe hơi tại Singapore. Grab hiện đang có mặt tại 8 nước Đông Nam Á: Singapore, Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Cam Pu Chia và Myanmar.
Grab đã bắt đầu như là một ứng dụng gọi xe taxi từ năm 2012, nhưng đã mở rộng nền tảng sản phẩm ra rất nhiều dịch vụ – phục vụ cho mọi nhu cầu trong đời sống hàng ngày của mọi người, bao gồm: kết nối di chuyển, đặt thức ăn, giao nhận hàng hoá, thanh toán và nhiều hơn nữa.
Grab là siêu ứng dụng đa dịch vụ hàng đầu, đã phục vụ cho 650 triệu người dân Đông Nam Á, cung cấp đa dạng dịch vụ, nhằm giảm bớt các trở ngại, từ đó làm được nhiều thứ hơn, mỗi ngày. Đây là một ứng dụng công nghệ đem lại rất nhiều lợi ích cho người dân Việt Nam nói riêng và người dân trên thế giới nói chung.
Ứng dụng Grab mà người dân thường hay dùng để đặt xe được cung cấp bởi Công Ty TNHH Grab Taxi Việt Nam. Ứng dụng Grab là một phần mềm được sử dụng như là phương tiện tìm kiếm dịch vụ sử dụng xe, chuyển hàng, giao đồ được cung cấp bởi bên thứ ba (các tài xế xe) mà Grab gọi là nhà cung cấp dịch vụ. Loại hình dịch vụ mà khách hàng có thể yêu cầu thông qua ứng dụng này là Chuyển phát nhanh; Vận chuyển; giao thức ăn; Mua sắm cá nhân,… Các thông tin được ứng dụng này cung cấp là được cung cấp bởi các tài xế xe nhất định. Ứng dụng này chỉ đơn giản là một công cụ để kết nối khách hàng với các tài xế xe. Việc cung cấp dịch vụ là tùy thuộc vào quyết định của nhà cung cấp dịch vụ và việc chấp nhận dịch vụ là tùy thuộc vào quyết định của khách hàng. Công ty này cũng khẳng định Grab là một công ty công nghệ và không cung cấp các dịch vụ vận tải, chuyển phát, bưu chính hay vận chuyển. Công ty cũng không phải là bên thuê mướn các tài xế xe và không chịu trách nhiệm cho bất kỳ các hành vi và/hoặc sự thiếu sót của nhà cung cấp dịch vụ, nhà cung cấp dịch vụ chỉ là đối tác làm việc, không phải là người lao động, đại lý, hoặc người đại diện của Grab.
2. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại
Căn cứ vào Điều 584 Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:
Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại
1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.
Như vậy, theo quy định trên để phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì phải thỏa mãn các tiêu chí sau:
- Phải có hành vi xâm phạm;
- Có thiệt hại trên thực tế xảy ra;
- Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi xâm phạm với thiệt hại xảy ra;
- Người gây ra thiệt hại phải có lỗi.
3. Tài xế grab chuyển đồ gây thiệt hại cho khách hàng thì ai phải bồi thường?
Việc tài xế grab chuyển đồ từ địa điểm này đến địa điểm khác theo thỏa thuận của hai bên và khách hàng phải thanh toán cước phí vận chuyển việc này nghĩa là hai bên đã xác lập Hợp đồng vận chuyển tài sản quy định tại Điều 530, 531 Bộ luật dân sự 2015.
Căn cứ vào khoản 1 Đều 541 Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:
Điều 541. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại
1. Bên vận chuyển phải bồi thường thiệt hại cho bên thuê vận chuyển nếu để tài sản bị mất hoặc hư hỏng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 536 của Bộ luật này.
2. Bên thuê vận chuyển phải bồi thường thiệt hại cho bên vận chuyển và người thứ ba về thiệt hại do tài sản vận chuyển có tính chất nguy hiểm, độc hại mà không có biện pháp đóng gói, bảo đảm an toàn trong quá trình vận chuyển.
3. Trường hợp bất khả kháng dẫn đến tài sản vận chuyển bị mất, hư hỏng hoặc bị hủy hoại trong quá trình vận chuyển thì bên vận chuyển không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
Theo quy định trên, nếu bên vận chuyển gây thiệt hại về tài sản cho khách hàng mà không thuộc trường hợp bất khả kháng thì sẽ phải bồi thường thiệt hại cho bên thuê vận chuyển.
Pháp luật còn quy định trường hợp bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra quy định tại Điều 597 Bộ luật dân sự, theo đó Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.
Do đó, việc tài xế grab chuyển đồ gây thiệt hại cho khách hàng, nếu thiệt hại xảy ra do lỗi của tài xế grab thì trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại thuộc về tài xế grab. Trường hợp tài xế grab này là làm công hoặc là nhân viên của một pháp nhân thì pháp nhân đó phải bồi thường thiệt hại sau đó có quyền yêu cầu tài xế xe phải hoàn trả khoản tiền đó. Như vậy, trường hợp này trách nhiệm bồi thường chỉ đặt ra với Công ty TNHH Grab Việt Nam (gọi tắ là Grab) khi tài xế đó là người được Grab thuê, mướn làm công hoặc là nhân viên, người lao động của Grab.
Tuy nhiên, Grab chỉ cung cấp các dịch vụ về ứng dụng vận tải nên những điều khoản và điều kiện về trách nhiệm bồi thườn thiệt hại thì Grab không chịu trách nhiệm về bất kỳ thương tật, tử vong, thiệt hại hoặc mất mát nào do nhà cung cấp dịch vụ (các tài xế xe) gây ra và cũng không chịu trách nhiệm về bất kỳ hành vi vi phạm nào, bao gồm việc vi phạm luật giao thông, hoặc bất kỳ các hành vi phạm tội hình sự nào do các tài xê gây ra trong suốt tiến trình cung cấp các dịch vụ. Như vậy, theo các điều khoản và điều kiện của việc sử dụng dịch vụ mà bằng việc tải xuống, cài đặt, và/hoặc sử dụng ứng dụng Grab, khách hàng đã đồng ý rằng họ đã đọc, đã hiểu và đã chấp nhận và đã đồng ý điều khoản sử dụng đó thì Grab không phải chịu trách nhiệm trong việc bồi thường thiệt hại do các nhà cung cấp dịch vụ là tài xế xe gây ra mà tài xế đó phải tự chịu trách nhiệm nếu gây ra thiệt hại do lỗi của tài xế.
Tóm lại, trường hợp trên đồ của khách hàng bị thiệt hại thì có thể yêu cầu người có lỗi gây ra tai nạn phải bồi thường thiệt hại, nếu tài xế xe là người có lỗi thì người đó phải bồi thường theo quy định pháp luật.
Khi bị thiệt hại, để bảo vệ quyền và lợi ích của bản thân mình, hãy thông báo website với đơn vị trực thuộc để có phương án giải quyết tốt nhất.
Hy vọng bài viết sẽ hữu ích với bạn!