Trong thời buổi công nghệ số, hàng triệu khách hàng trong nước đang sử dụng Internet để làm việc, giải trí, học tập mỗi ngày. Vậy nên mỗi lần đứt cáp là nhiều hoạt động của người dân lại bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt trong thủ tục thông báo website với bộ công thương. Tuy nhiên, nếu việc đứt cáp đó gây thiệt hại cho khách hàng là do người của công ty điện lực gây ra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao thì thiệt hại này do công ty điện lực bồi thường hay do bản thân người đó bồi thường? Mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây của Luật sư X nhé. |
Căn cứ pháp lý
- Bộ luật dân sự 2015;
- Bộ luật lao động 2012
Nội dung tư vấn
1. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại:
Khi giải quyết việc tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, cần đảm bảo thực hiện đúng các nguyên tắc bồi thường thiệt hại tại Điều 585 Bộ luật dân sự 2015 như sau:
Điều 585. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại
1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.
3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
4. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
5. Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.
Theo đó, khi giải quyết bồ thường thiệt hại cần phải thực hiện đúng các nguyên tắc sau:
Thứ nhất: Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời.
Thứ hai: Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường thiệt hại do lỗi vô ý và không có lỗi mà gây ra thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.
Thứ ba: Khi mức bồi thường thiệt hại không còn phù hợp thì bên bị thiệt hại hoặc gây thiệt hại có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi mức bồi thường.
Thứ tư: Bên chịu trách nhiệm bồi thường không bắt buộc phải bồi thường, phần thiệt hại này xuất phát từ lỗi của bên bị thiệt hại
Thứ năm: Bên bị thiệt hại có trách nhiệm hạn chế thiệt hại , không thể để thiệt hại trầm trọng hơn khi họ có thể hạn chế được, bên bị thiệt hai có khả năng ngăn chặn thiệt hại mà lại không ngăn chặn thì họ không xứng đáng được nhận số tiền bồi thường đáng ra được hạn chế.
2. Nhân viên điện lực làm đứt cáp viễn thông, khách hàng yêu cầu ai bồi thường?
Chúng ta đều biết nguyên tắc người gây ra thiệt hại phải bồi thường thiệt hại đó. Tuy nhiên, đối với các hoạt động của pháp nhân, thì được thông qua hành vi của người đại diện theo pháp luật hoặc có thể là người đại diện theo ủy quyền, ngoài ra còn được thông qua thành viên của pháp nhân. Hành vi của những người nay làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của pháp nhân. Vì thế, trong trường hợp người đang thực hiện nhiệm vụ mà pháp nhân đã giao cho họ mà gây thiệt hại cho người khác thì trách nhiệm pháp định về bồi thường thiệt hại lại thuộc về pháp nhân, căn cứ tại Điều 597 Bộ luật dân sự 2015:
Điều 597. Bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra
Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, pháp nhân theo Bộ luật dân sự được quy định như sau:
Điều 74. Pháp nhân
1. Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan;
b) Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này;
c) Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;
d) Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Theo đó, trong trường hợp nêu trên, nếu nhân viên điện lực làm đứt cáp thì công ty điện lực (là pháp nhân) có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho khách hàng. Sau khi bồi thường cho người bị thiệt hại, công ty được quyền yêu cầu nhân viên điện lực này hoàn trả lại số tiền mà công ty đã bồi thường cho người bị thiệt hại, nếu người gây thiệt hại có lỗi.
Nhưng cần lưu ý các điều sau đây:
- Chỉ được coi “là gây thiệt hại trong khi thực hiện nhiệm vụ” nếu nhân viên điện lực thực hiện nhiệm vụ đó trong phạm vi thẩm quyền mà công ty đã giao cho họ và thiệt hại xảy ra phải trong thời gian mà người đó đang thực hiện công việc và tại địa điểm nơi công việc đó được tiến hành.
- Nếu trong khi thực hiện nhiệm vụ được công ty giao mà gây ra thiệt hại cho khách hàng nhưng nhân viên điện lực không có lỗi thì họ không phải hoàn trả số tiền mà pháp nhân đã bồi thường cho khách hàng.
- Nếu nhân viên điện lực gây thiệt hại cho người khác vì tiến hành những công việc ngoài nhiệm vụ hoặc có liên quan đến nhiệm vụ nhưng ngoài thời gian, địa điểm, ngoài tiến trình của nhiệm vụ được giao thì họ phải tự gánh chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Hy vọng bài viết có ích với bạn!
Khi có nhu cầu để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, hãy liên hệ với Luật sư X để được hỗ trợ: https://lsx.vn/dich-vu-luat-su-lao-dong