Ngày nay, tác phẩm phái sinh đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận về việc bảo hộ quyền tác giả. Bài viết dưới đây của Luật sư X sẽ giúp bạn hiểu rõ về tác phẩm này là gì nhé! |
Căn cứ pháp lí
- Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009.
Nội dung tư vấn
1. Tác phẩm phái sinh là gì?
Định nghĩa tác phẩm phái sinh đã được quy định tại khoản 8 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005:
Điều 4. Giải thích từ ngữ
…
8. Tác phẩm phái sinh là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn.
Theo quy định của luật, tác phẩm phái sinh là tác phẩm do cá nhân/những cá nhân trực tiếp sáng tạo, được hình thành trên cơ sở một/những tác phẩm đã tồn tại (tác phẩm gốc) trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học, được thể hiện bằng bất kỳ phương thức hay hình thức nào khác biệt với phương thức hay hình thức thể hiện của tác phẩm gốc, thông qua một dạng vật chất nhất định.
Từ định nghĩa về tác phẩm phái sinh, ta rút ra được một số đặc điểm sau:
– Tác phẩm phái sinh chỉ được hình thành trên cơ sở một/những tác phẩm đã tồn tại. Tác phẩm đã tồn tại có thể còn thời hạn hoặc hết thời hạn bảo hộ quyền công bố tác phẩm và quyền tài sản, có thể: sáng tạo tác phẩm phái sinh mà không cần sự cho phép của chủ sở hữu tác phẩm gốc; sáng tạo tác phẩm phái sinh, nhưng nhất thiết phải được sự cho phép của chủ sở hữu tác phẩm gốc.
– Về hình thức thể hiện của tác phẩm phái sinh, pháp luật quyền tác giả không bảo hộ nội dung ý tưởng mà chỉ bảo hộ hình thức thể hiện của ý tưởng. Mặt khác, tác phẩm phái sinh không phải là bản sao của tác phẩm gốc. Do đó, trong nhiều trường hợp hình thức thể hiện của tác phẩm phái sinh phải khác biệt hoàn toàn hoặc khác biệt từng phần với hình thức thể hiện của tác phẩm gốc.
– Về tính nguyên gốc, tác phẩm phái sinh phải do tác giả tự mình sáng tạo nên mà không sao chép từ tác phẩm/những tác phẩm khác. Thuật ngữ “tác phẩm khác” được hiểu là kể cả tác phẩm của chính tác giả đó. Để một tác phẩm phái sinh được bảo hộ thì nó phải mang dấu ấn sáng tạo của tác giả. Tuy nhiên, nếu ranh giới giữa sáng tạo từng phần và sáng tạo hoàn toàn là dễ nhận biết, ranh giới giữa sáng tạo tác phẩm phái sinh và xâm phạm quyền tác giả của tác phẩm gốc là khó nhận biết. Sự xâm phạm này thường thể hiện ở việc xâm phạm quyền nhân thân không thể chuyển giao trong quyền tác giả.
– Về dấu ấn của tác phẩm gốc trong tác phẩm phái sinh, mặc dù tác phẩm phái sinh phải đảm bảo tính nguyên gốc như vừa phân tích, nhưng dấu ấn của tác phẩm gốc phải được thể hiện trong tác phẩm phái sinh, có nghĩa là khi nhận biết tác phẩm phái sinh thì công chúng phải liên tưởng đến tác phẩm gốc, sự liên tưởng này được thể hiện qua nội dung của tác phẩm gốc. Sự liên tưởng về nội dung giữa tác phẩm phái sinh với tác phẩm gốc không làm mất đi tính nguyên gốc của tác phẩm phái sinh.
2. Các loại hình tác phẩm phái sinh
Tác phẩm tái sinh bao gồm:
– Dịch: là việc chuyển tải trung thực nội dung của tác phẩm từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác.
– Phóng tác: Sự sáng tạo dựa theo nội dung của một tác phẩm khác.
– Chuyển thể: chuyển từ loại hình nghệ thuật này sang loại hình nghệ thuật khác.
– Cải biên: viết lại một tác phẩm
– Tuyển chọn: tuyển tập từ nhiều tác phẩm đã có.
– Biên soạn: tuyển chọn theo một chủ đề có thể bàn luận, đánh giá.
3. Quy định của pháp luật về tác phẩm phái sinh
3.1. Bảo hộ quyền tác giả
Căn cứ theo Khoản 2 Điều 14 Luật sở hữu trí tuệ:
Điều 14. Các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả
…
2. Tác phẩm phái sinh chỉ được bảo hộ theo quy định tại khoản 1 Điều này nếu không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh.
Như vậy, tác phẩm phái sinh sẽ chỉ được bảo hộ về quyền tác giả nếu không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh.
Quyền tác giả đối với tác phẩm phái sinh mặc nhiên được pháp luật bảo hộ mà không cần đăng ký với Cục sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều chủ sở hữu vẫn đăng ký vì bằng bảo hộ là căn cứ xác thực nhất để có thể chứng minh được quyền tác giả khi có tranh chấp xảy ra.
3.2. Quyền tài sản đối với tác phẩm phái sinh
Quyền tác giả đối với tác phẩm phái sinh được bảo hộ bằng quyền nhân thân và quyền tài sản.
Quyền tài sản được quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 20 Luật sở hữu trí tuệ 2005:
Điều 20. Quyền tài sản
1. Quyền tài sản bao gồm các quyền sau đây:
a) Làm tác phẩm phái sinh;
3.3. Hành vi xâm phạm quyền tác giả
Một trong những hành vi được pháp luật quy định là xâm phạm quyền tác giả đối với tác phẩm phái sinh là:
Điều 28. Hành vi xâm phạm quyền tác giả
7. Làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh, trừ trường hợp quy định tại điểm i khoản 1 Điều 25 của Luật này.
Điều 25. Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao
1. Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao bao gồm:
i) Chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị;
Làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả là vi phạm quyền tác giả (trừ một số trường hợp giảng dạy, nghiên cứu, nhân đạo,… hay chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị).
Tác phẩm phái sinh chỉ được bảo hộ khi không gây hại quyền tác giả của tác phẩm gốc và không ảnh hưởng đến sự toàn vẹn của tác phẩm. Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm gốc được hiểu là không được cắt xén, xuyên tạc, khai thác, sửa chữa tác phẩm. Nhưng tác phẩm phái sinh thường có những sự thay đổi nhất định về cách thể hiện, nội dung, nhân vật hoặc diễn biến gốc của tác phẩm, đặc biệt việc chuyển thể, phóng tác hoặc dịch sang ngôn ngữ khác.
Ví dụ: Việc viết lời cho các bản nhạc giao hương cũng có thể gây phương hại đến tác phẩm gốc khi ảnh hưởng đến sự toàn vẹn của tác phẩm.
4. Bảo vệ hiệu quả tác phẩm phái sinh
Cách tốt nhất và hiệu quả nhất để bảo vệ quyền cho các tác phẩm phái sinh và tránh xảy ra tranh chấp với tác giả của tác phẩm gốc đó là có xin phép, hoặc trả tiền bản quyền khi làm tác phẩm phái sinh.
Hy vọng bài viết hữu ích cho bạn! Nếu bạn muốn cập nhật thông tin mới nhất về loại tác phẩm này đến công chúng, hãy đăng ký với bộ công thương bằng cách sau đây: Đăng ký website với bộ công thương.